Thơ văn chữ Nôm Văn_học_Việt_Nam_thời_Tây_Sơn

Vua Quang Trung không những chỉ muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu, mà ông còn muốn đến văn tự cũng không mượn của Trung Quốc nữa. Ông lấy chữ Nôm làm quốc ngữ, trong các kỳ thi Hương đến kỳ đệ tam, các sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ Nôm, thứ chữ được coi là chính thức của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1792, nhà vua lập Sùng chính thư viện ở Nghệ An, cử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng để tổ chức việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm gồm có Tiểu học, Tứ thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, trong đó Tiểu học và Tứ thư đã được dịch xong.

Hịch Tây Sơn được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu, sáng tác khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt chúa Trịnh với danh nghĩa "phù Lê", với lời lẽ vạch tội ác của họ Trịnh và nêu lên chính nghĩa của quân Tây Sơn. Nội dung bài Hịch Tây Sơn không mang tính chính thống như Hịch Lê Duy Mật, song lại bao hàm ý chí mang lại thái bình cho đất nước cùng việc giúp vua Lê.

Sau Hịch Tây Sơn, bài ca Ai tư vãn của hoàng hậu Lê Ngọc Hân và bài tế vua Quang Trung của Phan Huy Ích, Phú tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng là những bài trong số ít những tác phẩm chữ Nôm còn lại của thời kỳ này.

Ai tư vãn của Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hânbài thơ khóc vua Quang Trung sau cái chết đột ngột của ông. Bài thơ đề cao sự nghiệp của Quang Trung, được đánh giá là bài thơ trường thiên có giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam (Viện Sử học, sách đã dẫn).

Trong số những bài văn tế trong Dụ Am văn tập của Phan Huy Ích ghi chép, được các nhà nghiên cứu xác định rằng có thể là tập hợp những bài tế của cả vua Cảnh Thịnh, những người con khác của vua Quang Trung và bà Nguyễn Thị Huyền (mẹ Lê Ngọc Hân) làm.

Phú tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng được xem là tác phẩm tiêu biểu với đề tài ca ngợi đất nước dưới triều Tây Sơn, được sáng tác trong hoàn cảnh vua Quang Trung vừa đánh đuổi quân Thanh. Bài phú được đánh giá là có những lời văn điêu luyện và truyền tụng nhiều trong giới văn sĩ Bắc Hà.

Ngoài những tác phẩm đứng về phía triều đại, thời Tây Sơn do hoàn cảnh lịch sử có những tác giả phản kháng, điển hình là Hoàng Quang với Hoài Nam ca khúc. Hoàng Quang đứng trên lập trường theo chúa Nguyễn chống Tây Sơn, nội dung bài ca biểu thị lòng nuối tiếc cựu triều.